[Ansible] Phần 1 – Ansible là gì? Tại sao nên sử dụng Ansible

Ansible là gì?

Bài toán: Đầu tiên, tôi có một bài toán muốn đặt ra như thế này. Tôi có 15 con server cần setup lên thành web server và 5 con server cần setup thành DB server. Nếu setup một cách thủ công thì chúng ta sẽ cần 15 lần thao tác giống nhau cho việc setup 15 con web server và với DB server cũng thế. Những công việc này tuy không khó, nhưng rất mất thời gian của những người quản trị (SysAdmin/SysEngineer/DevOps). Vậy có cách nào để tự động hóa những thao tác nhàm chán, lặp đi lặp lại này không?

“Cùng một việc mà làm quá 3 lần thì có gì đó không ổn rồi”

Câu trả lời chính là ứng dụng những tool automation để quản trị hệ thống. Hiện nay có rất nhiều tool như vậy trên thị trường cụ thể như: Chef, Puppet, CFEngine, StackStorm, Ansible, SaltStack… Trong bài này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn một công cụ rất mạnh mẽ trong việc quản trị hệ thống, đó chính là Ansible.

Ansible là gì

Ansible là một platform opensource, nghĩa là bạn có thể viết thêm hay chỉnh sửa tuỳ ý. Ansible khá đơn giản để sử dụng. Nôm na bạn có thể hình dung là chỉ việc khai báo địa chỉ server và những điều muốn làm với server đó vào ansible, rồi sau đó chỉ cần chạy script bạn vừa viết trên và ngồi uống trà chờ hoàn thành.

So sánh một vài thông số về Ansible, SaltStack, Chef, Puppet trên GitHub (11/2018)

Ansible SaltStack Chef Puppet

Số sao trên GitHub

33,500

9,341 5,543 5,125

Số lượt fork

13,338 4,366 2,268

2,049

Ngôn ngữ lâp trình Python Python Ruby

Ruby

Ngôn ngữ cấu hình YAML YAML Ruby DSL

Puppet DSL

Có thể thấy Ansible là công cụ tự động hóa phổ biến nhất trên GitHub với số sao được người dùng bình chọn cho project này là 33,500 sao. Ansible cũng là tool dễ tiếp cận và làm quen do được build bằng Python và sử dụng file cấu hình theo dạng YAML (YAML Ain’t Markup Language) dễ đọc và dễ hiểu.

Tại sao nên sử dụng Ansible

  • Ansible miễn phí và là 1 opensource
  • Ansible sử dụng phương thức ssh
  • Việc cài đặt không tốn nhiều tài nguyên
  • Được phát triển bởi ngôn ngữ python. Nên nếu bạn muốn tạo thêm module thì cũng sử dụng bằng python
  • Khá nhẹ và dễ setup
  • Các sciprt thường được dùng định dạng YAML
  • Và Ansible có một cộng đồng tương tác lớn

Kiến trúc của Ansible là gì?

Ansible sử dụng kiến trúc agentless để giao tiếp với các máy khác mà không cần agent. Cơ bản nhất là giao tiếp thông qua giao thức SSH trên Linux, WinRM trên Windows hoặc giao tiếp qua chính API của thiết bị đó cung cấp.

Kiến trúc Ansible

Ansible có thể giao tiếp với rất nhiều platform, OS và loại thiết bị khác nhau. Từ Ubuntu, CentOS, VMware, Windows cho tới AWS, Azure, các thiết bị mạng Cisco và Juniper….vân vân và mây mây….(hoàn toàn không cần agent khi giao tiếp).

Chính cách thiết kế này làm tăng tính tiện dụng của Ansible do không cần phải setup bảo trì agent trên nhiều host. Có thể coi đây là một thế mạnh của Ansible so với các công cụ có cùng chức năng như Chef, Puppet, SaltStack (Salt thì hỗ trợ cả 2 mode là agent và agentless, có thời gian thì mình sẽ viết 1 bài về Salt).

Ứng dụng của Ansible hiện nay

Ansible có rất nhiều ứng dụng trong triển khai phần mềm và quản trị hệ thống.

  • Provisioning: Khởi tạo VM, container hàng loạt trong môi trường cloud dựa trên API (OpenStack, AWS, Google Cloud, Azure…)
  • Configuration Management: Quản lý cấu hình tập trung các dịch vụ tập trung, không cần phải tốn công chỉnh sửa cấu hình trên từng server.
  • Application Deployment: Deploy ứng dụng hàng loạt, quản lý hiệu quả vòng đời của ứng dụng từ giai đoạn dev cho tới production.
  • Security & Compliance: Quản lý các chính sách về an toàn thông tinmột cách đồng bộ trên nhiều môi trường và sản phẩm khác nhau (deploy policy, cấu hình firewall hàng loạt trên nhiều server…).

Một số thuật ngữ cơ bản

  • Controller Machine: Là máy cài Ansible, nó sẽ chịu trách nhiệm quản lý, điều khiển và gửi các task đến những máy con cần quản lý.
  • Inventory: Là file chứa thông tin những server cần quản lý. File này thường nằm tại đường dẫn /etc/ansible/hosts.
  • Playbook: Là file chứa các task được ghi dưới định dạng YAML. Máy controller sẽ đọc các task này trong Playbook sau đó đẩy các lệnh thực thi tương ứng bằng Python xuống các máy con.
  • Task: Một block ghi lại những tác vụ cần thực hiện trong playbook và các thông số liên quan.
  • Module: Trong Ansible có rất nhiều module khác nhau. Ansible hiện có hơn 2000 module để thực hiện các tác vụ khác nhau, bạn cũng có thể tự viết thêm những module của mình khi có nhu cầu. Một số Module thường dùng cho những thao tác đơn giản như: System, Commands, Files, Database, Cloud, Windows,…
  • Role: Là một tập playbook đã được định nghĩa để thực thi 1 tác vụ nhất định. Nếu bạn có nhiều server, mỗi server thực hiện những tasks riêng biệt. Và khi này nếu chúng ta viết tất cả vào cùng một file playbook thì khá là khó để quản lý. Do vậy roles sẽ giúp bạn phân chia khu vực với nhiệm vụ riêng biệt.
  • Play: là quá trình thực thi một playbook.
  • Facts: Thông tin của những máy được Ansible điều khiển, cụ thể sẽ là các thông tin về OS, system, network,…
  • Handlers: Được sử dụng để kích hoạt những thay đổi của dịch vụ như start, stop service.
  • Variables: Được dùng để lưu trữ các giá trị và có thể thay đổi được giá trị đó. Để khai báo biến, người dùng chỉ cần sử dụng thuộc tính vars đã được Ansible cung cấp sẵn.
  • Conditions: Ansible cho phép người dùng điều hướng lệnh chạy hay giới hạn phạm vi để thực hiện câu lệnh nào đó. Hay nói cách khác, khi thỏa mãn điều kiện thì câu lệnh mới được thực thi. Ngoài ra, Ansible còn cung cấp thuộc tính Register, một thuộc tính giúp nhận câu trả lời từ một câu lệnh. Sau đó ta có thể sử dụng chính kết quả đó để chạy những câu lệnh sau.

Qua bài viết hy vọng các bạn đã hiểu hơn về Ansible là gì, đây là một tool mang lại rất nhiều những ưu điểm mà các tool quản lý cùng chức năng khác do vậy các bạn đừng nên bỏ qua nhé!

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Hãy bấm vào ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 248